CẦN THAY ĐỔI ĐỊNH NGHĨA VỀ ĐẠO VĂN
Để nhận diện và phòng,đờiPhòngchốngđạovăntronghọcđườngtheocáchmớbancah5 chống vấn nạn đạo văn, người ta đã đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm này. Theo từ điển Merriam Webster - một từ điển trực tuyến hàng đầu của Mỹ, đạo văn (plagiarism) là "Ăn cắp và chuyển giao ý tưởng hoặc lời nói của người khác như là của riêng mình".
Như vậy, hành vi ăn cắp sản phẩm, bài viết, suy nghĩ, ý tưởng, hay cách diễn đạt của người khác như là của mình tạo ra mới xem là đạo văn; còn trong trường hợp sử dụng sản phẩm, bài viết, ý tưởng... do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra, liệu có phải là đạo văn? Đây là điều mà các nhà quản lý, nhà giáo dục cần xem xét một cách khoa học và thấu đáo.
Mặc dù ChatGPT mới ra đời nhưng đã có người sử dụng nó phục vụ cho việc viết bài báo khoa học, làm luận văn tốt nghiệp. Từ đó, đã nảy sinh tranh cãi, liệu ChatGPT có được xem là "đồng tác giả" bài báo hay không. Trước lo ngại về tính đúng đắn, liêm chính khoa học, các tạp chí thuộc hệ thống Springer Nature (một công ty chuyên về nội dung khoa học và kỹ thuật, hoạt động trên toàn cầu, có trụ sở tại Đức) hay Science điều chỉnh quy định nộp bài, yêu cầu không được đưa các ứng dụng AI như ChatGPT vào danh sách tác giả; cấm các tác giả đưa vào bài báo khoa học những đoạn văn, biểu đồ, hình ảnh là sản phẩm của ChatGPT và các ứng dụng AI.
Điều đáng nói là câu trả lời hay sản phẩm tạo ra của ChatGPT/ứng dụng AI có thể đúng hoặc sai, phụ thuộc vào kho dữ liệu mà nó học được và phụ thuộc cả vào số người sử dụng nó. Bởi vì, càng nhiều người sử dụng, ChatGPT càng học được nhiều và trở nên thông minh hơn. Mặt khác, kết quả mà ChatGPT có thể đúng nhưng nó đã "đạo văn" vì tổng hợp từ nhiều nguồn dữ liệu gốc, không trích dẫn nguồn, đồng thời mang tính chung chung, không có sự sáng tạo của cá nhân.
“Quán tri thức” số 1 - Bản tin giáo dục hàng tuần: Tìm bạn giữa làn sóng Chat GPT
Vì vậy, đã đến lúc cần phải thay đổi định nghĩa đạo văn như sau: đạo văn là chiếm hữu một cách sai trái, ăn cắp, công bố ngôn ngữ, suy nghĩ, ý tưởng, hay cách diễn đạt của người khác hoặc của trí tuệ nhân tạo tạo ra và xem chúng như là những gì do mình tự tạo ra.
VÌ SAO GIÁO VIÊN, HỌC SINH VN xem nhẹ đạo văn?
Đạo văn là một hành vi xấu và tất cả mọi người phải tránh, nhất là đối với người học, người dạy, nhà nghiên cứu. Học sinh (HS), sinh viên (SV) ở các nước Âu - Mỹ rất khắt khe với đạo văn. Theo kết quả một số nghiên cứu cho thấy, HS, SV các nước châu Á, trong đó có VN lại xem nhẹ/thoáng hơn về đạo văn.
Dẫn đến thực trạng này, trước hết do dạy và học ở VN quá tập trung vào việc ghi nhớ, yêu cầu người học phải học thuộc kiến thức, câu văn, dạng bài tập... nên đã vô tình khuyến khích HS, SV đạo văn. Kế đến, việc kiểm tra, đánh giá, thi cử chú trọng đến kiến thức, kỹ năng nên để đạt được điểm cao, buộc HS phải tích lũy, học thuộc càng nhiều kiến thức, nhiều văn mẫu càng tốt, dẫn đến HS gia tăng đạo văn.
Hầu hết các trường phổ thông chưa có quy định rõ ràng thế nào là đạo văn nên giáo viên (GV), HS ít am hiểu cũng như biện pháp phòng, chống đạo văn.
Từ việc đổi mới dạy và học, công tác thi đua khen thưởng, thi GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm giỏi... nên các nhà trường yêu cầu GV phải nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm. Tuy nhiên, không phải GV nào cũng nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm nghiêm túc, mà thực tế có nhiều người tìm các sáng kiến có sẵn trên mạng, sao chép, sửa đổi phù hợp với bối cảnh nhà trường... thành sáng kiến kinh nghiệm của mình.
Bên cạnh đó, một số GV tải các đề cương ôn tập, các bài văn mẫu trên mạng, sửa lại đôi chút, thành tài liệu cung cấp cho HS ôn tập. Điều này không chỉ là GV đạo văn mà dẫn đến HS cũng đạo văn vì làm bài kiểm tra theo tài liệu mà GV cung cấp.
Hỏi khó ChatGPT: siêu thông minh nhưng có lúc 'ngớ ngẩn'?
PHÒNG CHỐNG ĐẠO VĂN HỌC ĐƯỜNG
Đối với giáo dục phổ thông, vấn đề chống đạo văn vẫn chưa được chú trọng. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần có văn bản hướng dẫn phòng chống gian lận học đường, đạo văn trong bối cảnh AI ngày càng áp dụng nhiều trong giáo dục. Các nhà trường cần có quy định rõ ràng về chống gian lận học đường và đạo văn một cách phù hợp.
Một số hình thức đạo văn phổ biến
Đạo văn một phần tác phẩm: Tác phẩm ở đây có thể là một đoạn văn, một kết quả nghiên cứu hay một dữ liệu thông tin.
Đạo văn do quên… dùng ngoặc kép: khi HS trích dẫn một câu văn của người khác mà không đặt câu văn đó trong dấu ngoặc kép.
Đạo văn do không dẫn nguồn/dẫn sai nguồn/dẫn thiếu nguồn: HS có thể dùng ngoặc kép nhưng lại không chú thích rõ câu văn này của ai hoặc trích ra từ tác phẩm/bài viết nào; Hoặc nếu dẫn nguồn tài liệu bị sai, hoặc sử dụng kết quả của AI.
Tự đạo văn của mình: chẳng hạn viết một bài báo nhưng tác giả lại gửi đến nhiều tạp chí khác nhau, phạm lỗi tự đạo văn của mình.
Đạo văn "xào nấu": Từ một ý tưởng, cố gắng để thay đổi từ ngữ hay cấu trúc diễn đạt.
Đạo văn dịch: Mặc dù khác ngôn ngữ nhưng nếu dịch lại y chang một bài báo tiếng Anh rồi nhận mình là tác giả thì vẫn là đạo văn như thường.
Nâng cao nhận thức, hiểu biết của GV về đạo văn, để họ không đạo văn và có kỹ năng kiểm tra đạo văn của HS bằng cách sử dụng Google hay phần mềm chống đạo văn, kể cả chống đạo văn do AI tạo ra.
Cần chuyển đổi mạnh mẽ việc dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS. GV chú trọng đến dạy làm người, kỹ năng sống, kỹ năng phản biện và sáng tạo cho HS, những vấn đề mà AI dù thông minh đến đâu cũng không thay thế được người thầy.
Nghiên cứu sự tác động của AI đến dạy và học ở trường phổ thông để có thể điều chỉnh, bổ sung Chương trình giáo dục phổ thông 2018 một cách phù hợp.
ChatGPT ra đời, đã có SV ở một số nước sử dụng để hoàn thành luận văn tốt nghiệp. Trong bối cảnh này, các trường ĐH cần thay đổi quy định về chống gian lận học đường và chống đạo văn phù hợp khi AI ngày càng thông minh, lợi hại hơn và có hình thức xử phạt nghiêm với hành vi đạo văn.
Các trường ĐH VN tăng cường hợp tác với các trường ĐH trên thế giới để nghiên cứu, triển khai áp dụng AI trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, trong khởi nghiệp; nhưng cũng cần có giải pháp hạn chế những tiêu cực mà AI tạo ra.